. .

Wednesday, October 26, 2016

Lịch Sử Các Đảng Phái Quốc Gia

by Nguyễn Khắc Ngữ [1935-1992] (xin đọc về Tác Giả bên dưới Post này) - Tủ Sách Nghiên cứu Sử Địa 1991


Các Đảng Phái Quốc Gia [1]


Sử Việt Nam cận đại
Lịch sử các Đảng phái Việt Nam kể từ thời kháng Pháp





Các Đảng Phái Quốc Gia [2]







LTC:
Tác giả Nguyễn Khắc Ngữ vốn là một nhà giáo tại miền Nam quốc gia. Vào năm người Việt quốc gia mất nước vào tay cộng sản thì ông vừa 40 tuổi. Tên tuổi ông ít được nhiều người biết.
Dưới đây là bản đăng lại copy Text năm 2012 bài của nhà văn Viên Linh viết về tác giả Nguyễn Khắc Ngữ. Bài vốn được chạy đăng trên trang báo web Người Việt vào năm 2012 nhưng nay đã bị broken data không rõ vì lý do gì, rất may nhờ có trang Hưng Việt còn lưu giữ, nhờ đó chúng ta mới còn lưu giữ lại ít nhiều dữ liệu đáng tin cậy về tác giả bộ sách "Lịch Sử Các Đảng Phái Quốc Gia". Xin chân thành cám ơn Hưng Việt và nhà văn Viên Linh.


Sử gia Nguyễn Khắc Ngữ trong quên lãng

by Viên Linh
05 Tháng Tư 2012 - 12:00 AM


-Trong những cuốn sách viết về sự sụp đổ của miền Nam, cuốn đầu tiên đáng kể nhất đối với người viết bài này là “Những Ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hòa” của sử gia Nguyễn Khắc Ngữ.

Cuốn sách ấy xuất hiện sớm sủa nhất, cuối năm 1979, viết với tấm lòng nung nấu của một thanh niên ngay từ lúc vào đời đã nghĩ đến sử, và anh viết lịch sử hiện đại với phương pháp khoa học, chỉ trong bốn năm sau ngày mất nước đã hoàn tất 430 trang giấy đánh máy chữ nhỏ. Ngày 27 tháng 5, 1978 anh đã từ Montreal gửi thư cho tôi, lúc ấy đang ở vùng tam biên Hoa Thịnh Đốn, sau nhiều lá thư trao đổi. Chúng tôi đã trao đổi nhiều tại Sài Gòn từ những ngày cùng làm bán nguyệt san Sống đầu thập niên '60 của Hội Nạn Nhân cộng sản.

Hồi ấy sửa soạn xuất bản tạp chí Thời Tập (ra số 1 nhân tháng 4, 1979), tôi đã phỏng vấn anh: “Theo quan điểm của một sử gia, anh nghĩ gì về vụ Vẹm đốt sách?” Từ những năm đầu của thập niên '50, chúng tôi hay dùng chữ Vẹm để gọi Việt cộng, chữ này hình như là cách ghép hai chữ VM (Việt Minh) và đọc chệch đi. Những năm giữa thập niên '70, người cầm bút Việt Nam lưu vong nào không đau đớn vì chuyện cộng sản phát động sự bạo hành của máu nóng, của căm thù, của ngu dốt lên cao để thanh thiếu niên học sinh cảm thấy hứng khởi trong sự đốt sách của miền Nam? Mấy người đã gửi bài trả lời, có Mặc Đỗ, Võ Phiến, Cao Thế Dung, Nguyễn Khắc Ngữ.

Sử gia Nguyễn Khắc Ngữ viết: “...Vụ đốt sách là chuyện dĩ nhiên của chế độ cộng sản. Ở Liên Xô khi Staline bị hạ bệ người ta đã đem cắt một số trang của cuốn ‘Bách khoa Từ điển Liên Xô’ có viết về Staline để đem đốt đi cho tuyệt tích luôn và thay vào đó bằng một bài mới tất nhiên viết không hay gì cho nhân vật này. Tuy nhiên dù cấm đoán đến thế nào, sách vở hay vẫn tồn tại. Trước kia Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò nhưng Nho giáo sau này vẫn phát triển mạnh. Mao Trạch Đông đã phải để mấy chục năm để chống nhau với bóng ma Khổng Tử mà cuối cùng cuộc ‘Cách Mạng Văn Hóa’ lại chỉ là bản án muôn đời cho vợ con ông.”

Trong 37 năm nay có thêm nhiều cuốn sách viết về “những ngày cuối cùng” của Việt Nam Cộng Hòa, song không cuốn nào có tầm rộng lớn như cuốn sách của anh. Cuốn sách đáp ứng được các mặt của một cuốn sử hiện đại, phần giữa sách quan trọng nhất, từ “Sự thi hành Hiệp Định Paris” đến các trận đánh khác, cuộc triệt thoái tự sát ở cao nguyên, v.v... chỉ bắt đầu từ chương bảy, trang 148, còn từ đó trở ngược lên trên tác giả viết tổng quát về sự “Hình thành của chế độ Việt Nam Cộng Hòa,” qua từng chương, nhắm mỗi chương vào một lãnh vực (Tương quan Lực lượng Nam Bắc, Chính sách Cầm quyền, Kinh tế Tài chính, Văn hóa Xã hội,...). Mỗi chương anh viết một vài sự kiện quan trọng, có tính quyết định, trình bày rõ hơn trên nền một tổng quan để người đọc hiểu bao quát toàn cảnh của miền Nam, trước khi và trong khi sụp đổ. Hẳn rằng quan niệm một sử gia cũng là một phán quan, Nguyễn Khắc Ngữ kết tội và kể tội đích danh chính phủ và 5 nhân vật làm mất nước, với sự lạm dụng quyền hành và sự tham ô của họ. Anh trình bày những kế hoạch ngũ niên (kỹ nghệ, nông nghiệp, và các sự kiện). Văn hóa Xã hội được dành khoảng 40 trang, anh điểm danh các văn nghệ sĩ và các báo, một cách khái quát song khá sắc nét. Anh kể ra một số báo, những đụng chạm với chính quyền, một số nhà văn, nhà báo, và đây chính là nhờ sự xông xáo của anh trong thời gian cầm bút. Tôi nhớ Nguyễn Khắc Ngữ tất tả bước đi trên đường Hồng Thập Tự, ra vào tòa soạn bán nguyệt san Sống của ông Ngô Trọng Hiếu, trước thời ông được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chọn làm bộ trưởng Công Dân Vụ. Chúng tôi hay gặp nhau ở đây, vì thường lui tới với Duy Sinh ngồi thường trực tại báo quán; và ở vài chỗ khác như tại Đàm Trường Viễn Kiến của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, gần chùa Giác Minh của Hòa Thượng Đức Nhuận. Tóc anh hớt ngắn, miệng cười rộng, hàm răng trắng làm sáng khuôn mặt không có vẻ gì là thư sinh, học giả: qua toàn thể anh là một con người hoạt động, được việc cái đã. Nguyễn Khắc Ngữ trong Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam, vừa là học giả, vừa là người hoạt động: để viết cuốn sử đầu tiên tại hải ngoại, anh đã bỏ ra bốn năm, qua 22 tiểu bang ở Hoa kỳ, các tỉnh ở Gia Nã Đại và nhiều nước ở Âu Châu “để tìm tài liệu và phỏng vấn những người liên hệ.”

Nguyễn Khắc Ngữ sinh năm 1935 tại Duyên Hà, Thái Bình, gọi nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh bằng cậu, học trung học Lê Quí Đôn tại tỉnh nhà, tị nạn cộng sản lần thứ nhất năm 1954, nhập ngũ khóa 21 SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, ra trường phục vụ trong binh chủng Không Quân. Ngày 30 tháng 4, 1975 rời Việt Nam, định cư tại Montreal, Canada và lập gia đình tại đây, có một con trai. Anh mất vì ung thư dạ dày năm 1992.

Từ cuối thập niên '50, chàng trai Thái Bình (Thái lọ) viết truyện ngắn (Dưới bóng Hoàng Lan), viết kịch (Hỏa ngục), và cũng viết những bài nghiên cứu về ngôn ngữ Chàm, về Văn hóa Óc Eo, Phù Nam. Tới thập niên '70 chàng chú trọng hơn về Mỹ thuật Văn hóa Dân tộc, đã xuất bản “Kỹ thuật và Mỹ thuật Tranh mộc bản Việt Nam,” nghiêng qua cả chính trị và các đảng phái quốc gia, khi tình hình đất nước càng ngày càng nóng bỏng, khiến cho những kẻ có lòng không thể ngồi yên. Nguyễn Khắc Ngữ thường ký tên thật, tuy đôi khi viết bằng bút hiệu Vũ Lang, viết trên những tờ báo có tính chiến đấu (Thanh Niên, Đất Nước, Trình bày (b không viết hoa), hay báo Khảo cổ học, Sử Địa. Anh tốt nghiệp Cao học Sử, giáo sư Sử học tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, có thời gian làm phụ tá khoa trưởng Đại Học Kinh Tế Thương Mại Minh Đức. Sự đóng góp của anh cho học thuật Việt Nam không phải nhỏ, với khoảng gần 20 đầu sách đủ loại, đa số là sách Sử, Địa, Khảo cổ học và cả Nhân chủng học. Tiếc thay anh mất sớm, ở tuổi 57. Sự ra đi của anh không những là một mất mát riêng cho gia đình, bạn hữu, mà còn làm cho Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam mất đi một động lực chính yếu, và một thiệt hại đáng kể cho sinh hoạt văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. May thay Nguyễn Khắc Ngữ đã để lại một tác phẩm quan trọng và giá trị: Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, cuốn sách nóng hổi về tháng 4, 1975.

(Viết để nhớ Ngữ - 4.2012)

Viên Linh




No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...